(Dân trí) -Đặt bút xuống giường, tay em run run đưa cho tôi một lá thư nhỏ nhờ chuyển đến người bố tội nghiệp nếu lỡ một mai em không còn nữa. 20 tuổi, chàng sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội chấp nhận phải chết vì căn bệnh suy tủy xương.
Trước khi đến bệnh viện gặp em, tôi đã có một vài lần trò chuyện với em qua điện thoại. Chàng sinh viên có giọng nói trong vắt, điềm đạm và rất lễ phép: “Bác sĩ nói em bị suy tủy xương chị ạ. Mấy hôm rồi chị gái của em cũng đã lên bệnh viện để làm các xét nghiệm xem tủy của hai chị em có hợp nhau không để ghép cho em, hôm qua bệnh viện cho biết là hai chị em có thể ghép nhưng số tiền mấy trăm triệu bố em không lo được. Mẹ em mất khi em mới được 18 tháng tuổi, một mình bố vất vả nuôi hai chị em em nên em muốn được sống để còn chăm sóc bố. Giờ em chỉ mong có ai cho gia đình em vay tiền để em chữa bệnh, em hứa khi khỏe mạnh em sẽ đi làm để trả nợ chị ạ”.
Đó là những lời tâm sự đầy ruột gan của chàng sinh viên Nguyễn Anh Ngọc với tôi trước khi gặp em. 20 tuổi em đã đủ lớn khôn để tìm hiểu và biết được mức độ nguy hiểm của căn bệnh suy tủy xương mà mình đang mắc phải nên đã có sự chuẩn bị trước ngay cả khi tình huống xấu nhất xảy ra. Một lá thư dài với những nét chữ nguệch ngoạc, em đưa cho tôi xem và nhờ gửi đến bố của em nếu lỡ một ngày không xa em không còn nữa.
Sinh ra ở vùng quê nghèo của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cậu bé Ngọc sớm đã mất mẹ vì căn bệnh cảm thương hàn khi em vừa tròn 18 tháng. “Thú thật thì em không có kí ức gì về mẹ cả vì ngày mẹ mất em còn nhỏ quá. Em chỉ biết gương mặt của mẹ qua tấm di ảnh thờ và những gì bố kể thôi chị ạ”- Ngọc buồn buồn tâm sự.
Ngày đó chị gái của Ngọc cũng vừa mới lên 4 tuổi, còn nhỏ dại chưa biết gì. Quá bất ngờ trước sự ra đi đột ngột của vợ, bố của em là chú Nguyễn Ngọc Tiến tưởng chừng sẽ suy sụp không sống được tiếp nhưng rồi chính tiếng khóc đòi mẹ của cả hai chị em khiến chú phải nén nỗi đau để đứng dậy vì các con chỉ còn mình bố để bấu víu và dựa vào. Từ đấy cuộc sống cảnh gà trống nuôi con cứ diễn ra bình lặng với bữa cơm, bữa cháo từ việc cấy cày mấy sào ruộng và những đồng tiền ít ỏi đi làm thuê của chú.
Thấm thoắt cũng đã gần 20 năm, Ngọc kể: “Nhiều lần mọi người cứ giục bố đi bước nữa, họ còn giới thiệu người nọ, người kia cho bố nữa nhưng bố của em cứ lần lữa mãi vì thương các con còn nhỏ. Mãi đến năm 2000, bố em mới đi bước nữa. Cả đời bố vất vả làm đủ các thứ việc người ta thuê để có tiền cho hai chị em ăn học nên chúng em thương bố lắm”.
Nói đến đây em không còn giữ được sự bình tĩnh, điềm đạm của lúc đầu nữa mà là tiếng khóc bật lên thành tiếng, nghèn nghẹn mãi mới thốt thành lời: “Em không làm được điều đó rồi chị ạ… Em có lỗi với bố. Bố nuôi em lớn khôn đến thế này để giờ nhận lại là án tử hình đang được treo sẵn trên đầu em. Em đúng là đứa vô dụng mà”.Thương cậu bé Ngọc và thông cảm cho hoàn cảnh của gia đình em, bác sĩ Nguyễn Thị Thảo (Khoa ghép Tế bào gốc – Viện huyết học và truyền máu TW) ái ngại cho hay: “Cậu bé không may mang trong mình căn bệnh suy tủy xương không rõ nguyên nhân và hiện đang được điều trị tích cực tại khoa. Với mức độ nguy hiểm của căn bệnh này thì phương pháp ghép tế bào gốc mới mong mang lại hiệu quả tốt, tuy nhiên chi phí của nó là khá đắt đỏ (khoảng 200 – 300 triệu). Tuy nhiên với điều kiện hoàn cảnh gia đình của em Ngọc không đáp ứng được nên hiện tại em đang được truyền loại thuốc miễn dịch, nhưng nó cũng chỉ là phương án duy trì sự sống thôi chứ không chữa khỏi bệnh được”.
Không có tiền để thực hiện ca ghép tế bào gốc nên tính mạng của Ngọc giờ chỉ được tính bằng ngày, bằng tháng. Khao khát được sống hơn bao giờ hết nhưng em cũng biết được số tiền khổng lồ kia là một điều kì diệu mà hiện tại gia đình em không thể có được. Nhìn xuống lá thư em gửi bố, câu cuối cùng Ngọc viết: “Hãy hứa với con bố phải vững vàng sống tiếp để dù con ở bất cứ đâu cũng thấy yên lòng. Con yêu và thương bố, dẫu có được sống lại trăm nghìn lần con chỉ ước được làm con của bố…
Vẫn ân cần chăm sóc cho con và liên tục gọi điện đi khắp nơi để hỏi chỗ vay tiền, chú Tiến hoàn toàn không biết những điều em dặn dò tôi. Bất giác, cảm giác hoảng sợ và lo lắng khiến tôi rùng mình… Cả một đời hi sinh, chăm sóc cho con, lẽ nào chú lại được ông trời “trả ơn” bằng cái gật đầu chấp nhận con phải chết chỉ vì gia cảnh quá nghèo khó.?
Neu minh la mot ti phu . Mih se giup do nhug nguoi ngkeo chua het nhug beng tat lun.