Vợ tôi là gái gốc Hà Thành chính hiệu. 3 đời nhà cô ấy đều sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Đó cũng là niềm tự hào nhất mà mỗi khi cô ấy đay nghiến chồng, nhà chồng thì đều đưa ra để đặt lên bàn cân so sánh.
Mới đây, trong một buổi chiều lang thang trên diễn đàn mạng, tôi đọc được một bài thơ rất tâm đắc tả về “Tính tình con gái 3 miền”. Phải công nhận những gì tác giả viết cực đúng về con gái Bắc: “Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc/ Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền/ Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang/ Nhớ duyên dáng, ngây thơ… mà xảo quyệt..”.
Tôi sinh ra tại một vùng miền núi Trung Du phía Bắc và xuống Hà Nội học, lập nghiệp rồi kết hôn với một cô vợ Bắc. Nhưng thú thật sau 5 năm chịu đựng tôi mới thấy thấm thía với những gì mà tác giả những câu thơ trên đã viết.
Cho đến thời điểm này, khi tôi và vợ đã có với nhau 2 đứa con và cũng có của ăn của để nhưng tôi vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Tôi vẫn ước gì được làm lại từ đầu. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ không bao giờ lấy một cô vợ Bắc làm vợ, nhất là những cô gái gốc 3 đời Hà Nội.
Đừng bảo tôi phiến diện khi thốt lên nhưng câu khó nghe, bảo thủ về con gái Bắc như thế. Có ai sống trong hoàn cảnh của tôi mới hiểu vì sao tôi có định kiến như vậy.
Làm dâu 5 năm, thời gian vợ tôi về thăm nhà chồng, về làm dâu chỉ tính được bằng ngày. Trừ thời gian bầu bí, sinh nở 2 đứa con tính ra cô ấy chỉ mới đặt chân về nhà chồng đúng 4 lần (2 lần vào dịp Tết và 2 lần vào dịp giỗ bố tôi). Về phương tiện đi lại thì nhà tôi có xe riêng và khoảng cách từ Hà Nội về nhà tôi cũng chỉ tầm 150km.
Mẹ tôi, anh em họ hàng ở quê rất quý dâu, quý cháu thế nhưng vợ tôi rất ghét về quê chồng. Nhà ở quê, anh em tôi góp nhau sửa sang nên khá khang trang, sạch đẹp và còn lắp điều hòa hai chiều. Xét về mặt tiện nghi sinh hoạt thì cũng chẳng thua kém gì ở thành phố. Thế nhưng mỗi lần tính chuyện về quê là vợ tôi chối đây đẩy, viện đủ lí do. Nào là ốm đau, con nhỏ, say xe, ăn uống không hợp, sinh hoạt mất vệ sinh rồi phải tiếp chuyện nhiều người….
Nhiều khi nhìn cảnh nhà hàng xóm cứ dịp lễ, tết, cuối tuần lại rồng rắn kéo nhau về thăm bố mẹ dù quê họ ở tít miền Trung xa xôi mà tôi thấy chạnh lòng.
Không những ghét về quê chồng mà vợ tôi còn ghét cay ghét đắng khách quê. Mỗi lần mẹ tôi hay anh em họ hàng lên thăm là cô ấy cũng lên kế hoạch để trốn. Hoặc cô ấy sẽ đi du lịch đâu đó vài ngày, hoặc viện cớ mệt nên về nhà ngoại nghỉ ngơi. Nếu phải ở nhà tiếp khách thì cô ấy sẽ mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia để đuổi khách về sớm.
Có lần mẹ tôi mang cho các cháu con gà quê để tẩm bổ. Vừa đi làm về, cô ấy nhìn thấy 2 con gà đặt ở ngoài sân thì gào toáng lên và bắt tôi phải xách ngay ra chợ bán rẻ hoặc muốn cho ai đó thì cho. Cô ấy còn bảo với mẹ chồng: “Ăn gà quê không được kiểm dịch nguy hiểm lắm, nhà con chỉ ăn gà siêu thị thôi”.
Tất cả nhưng người anh em, bạn bè của tôi ở quê hay có gốc ở quê là cô ấy đều nhìn với ánh mắt miệt thị. Cứ mở miệng là cô ấy bảo tôi là “Đồ nhà quê”.
Tôi rất xấu hổ với người thân và thấy mình thật hèn nhát, chẳng đáng mặt đàn ông vì không biết cách dạy vợ. Nói thật, với một người vợ ghê gớm, thủ đoạn như cô ấy tôi cũng đành bó tay.
Trong tất cả các cuộc cãi vã tôi luôn luôn là người phải xuống nước vì sự đanh đá của cô ấy. Cô ấy chửi con, chửi chồng như hát hay. Đụng vào đâu không vừa ý là vợ tôi lại lên “cơn điên”, văng đủ thứ ngôn từ tục tĩu.
Về nhà đã thế, ra ngoài đường vợ tôi cũng khiến các bà hàng tôm hàng cá sợ chết khiếp. Chẳng có ai dám cân sai cho cô ấy dù chỉ một li. Đơn giản nếu biết mình bị cân điêu, cô ấy sẽ làm ầm ĩ ngay giữa chợ. Đi đường có ai đó vô tình đụng xe và dù họ biết sai và xin lỗi thì cô ấy vẫn chửi chẳng ra gì. Hàng xóm, láng giềng ai cũng phải kiêng dè, sợ đụng chạm đến vợ tôi. Nói thật, tuy là chồng nhưng tôi không bao giờ muốn sánh bước cùng vợ ra chốn đông người.
Người ta thường bảo con gái Hà thành thì khéo léo, đảm đang nhưng tôi thấy sai hoàn toàn. Vợ tôi được chiều chuộng từ nhỏ nên cô ấy chẳng biết làm gì ngoài việc tô vẽ, làm đẹp cho cơ thể. Cô ấy bảo tôi: “Anh có phúc lớn lắm mới lấy được gái Hà Nội như em vì thế lo mà phục tùng cho tử tế không là em “đá” đấy. Anh mà nhả em ra thì hàng tá đàn ông lao vào ngay”.
Sống với vợ, mỗi ngày trôi qua đối với tôi không khác gì địa ngục. Có lẽ thời gian sung sướng nhất là 8g vàng nơi sở làm. Về nhà, tôi như một o sin chính hiệu. Từ việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, cơm nước, lau dọn nhà cửa vợ khoán trắng cho tôi. Đơn giản vì cô ấy không thích làm việc nhà. Vì rửa bát sợ hỏng móng tay, cho con bú sợ hỏng ngực, đi ra nắng sợ đen da….
Tôi tuy không phải đại gia nhưng mỗi tháng cũng kiếm được 30 triệu đưa về nộp cho vợ. Thế nhưng cứ đầu tháng đưa tiền thì giữa tháng cần việc hỏi thì ví cô ấy không còn một xu nào. Tôi góp ý và bảo cô ấy nên chi tiêu tiết kiệm và vun vén cho gia đình thì vợ tôi khóc lu loa lên bảo tôi là thằng đàn ông tồi, mỗi việc kiếm tiền nuôi vợ mà cũng không xong. Thậm chí cô ấy còn hét vào mặt tôi: “Anh không lo nổi cho con này thì để cho thằng khác nó lo. Anh không sợ đầu bị cắm sừng à…”.
Tôi ngán vợ đến tận cổ nhưng vì con, vì cái sĩ diện của một thằng đàn ông nên đánh nín nhịn cho qua ngày.
Tính giả dối, thực dụng của vợ khiến tôi thấy sợ. Tuy là chồng, nhưng nhiều khi tôi không nắm bắt được con người thật của cô ấy, cũng không biết trong lòng cô ấy suy nghĩ thật sự như thế nào. Vừa thấy cô ấy buôn chuyện nói xấu một cô bạn thân nhưng khi gặp cô bạn kia thì vợ tôi ngọt nhạt, khen cô ấy hết lời, tâng lên tận mây xanh.
Tôi chỉ ngồi đó với nụ cười mỉa mai, cay đắng và hơn trên hết thấy sợ bộ mặt thật của người mà tôi gọi là vợ. Tôi chợt thầm nghĩ không hiểu đối với tôi cô ấy có diễn hay không? Với cô ấy, ai có lợi và giàu có thì cô ấy xun xoe, xu nịnh. Những người nghèo hèn thì vợ tôi nhìn bằng nửa con mắt.
Chả hiểu sắp đặt thế nào mà hàng xóm nhà tôi mấy anh chồng Bắc lại toàn lấy vợ miền Trung, miền Nam. Nhìn cảnh nhà họ ấm êm, vợ khi nào cũng răm rắp tuân lệnh chồng, cơm bưng nước rót cho chồng mà tôi thấy thèm, thấy ghen tị với hạnh phúc của họ.
Tôi thèm được như anh hàng xóm, chiều chiều được vợ chào đón với nụ cươi tươi rói. Sáng nào cũng thấy cô vợ xách làn thức ăn đủ món ngon là tôi biết anh chồng kia sung sướng đến cỡ nào. Không như tôi thèm bát canh cua với cà muối cũng phải ra quán ngồi ăn.
Hỏi những thằng bạn thân, đứa nào cũng bảo rằng chỉ ao ước được lấy vợ miền Trung, miền Nam làm vợ. Vì họ cũng như tôi, thấy sợ con gái Bắc, sợ sự ghê gớm, chua ngoa của các bà vợ gốc Bắc.
Tôi chưa bao giờ thấy cô vợ to tiếng hay lời qua, tiếng lại với bất cứ ai. Đi đâu gặp ai cô ấy cũng chào hỏi niềm nở. Tết nhất cô ấy còn sang chúc mừng và lì xì cho mấy đứa trẻ nhà tôi. Về quê có món gì đặc sản là cô ấy cũng mang sang cho nhà tôi một ít. Nhìn lại vợ tôi, cô ấy không biết hàng xóm của mình tên gì, quê ở đâu. Gặp ngoài đường thì mặt vợ tôi vênh váo, chẳng thèm chào hỏi bất cứ ai. Vì với cô ấy thì chẳng việc gì rỗi hơi để tiếp chuyện với mấy đứa nhà quê lên phố.
Xét về nhan sắc đúng là vợ tôi xứng đáng là “hoa hậu” của cả khu phố này. Nhưng xét về đức hạnh, phẩm chất của một người phụ nữ, một người vợ, người mẹ thì cô ấy chẳng được điểm gì. Vậy mà cứ mở mồm ra là cô ấy tự đắc mình là gái Hà Nội.
Tôi còn muốn kể lể rất nhiều nhưng có lẽ chừng đấy thôi cũng đã đủ để mọi người có cái nhìn nhận đúng nhất về con gái Bắc. Đời tôi coi như bỏ đi rồi, chỉ mong cánh đàn ông chưa vợ hãy sáng suốt, tỉnh táo và tránh xa gái Bắc. Họ đanh đá, ghê gớm, thủ đoạn và sống giả dối lắm. Đừng bao giờ tin vào miệng lưỡi của họ nếu không bạn sẽ cũng như tôi và thậm chí còn bi đát hơn đấy.